NGHỀ BÁN MÁU Ở TĐXHCN VN

Publié le par bienxua

 

NGHỀ BÁN MÁU VÀ NHỮNG NGƯỜI BÁN MÁU Ở THIÊN ĐƯỜNG XHCN VIỆT NAM
 

Từ xa xưa, không biết từ lúc nào, người Việt nam đã dùng cụm từ " Nghề Bán Cháo Phổi" để ám chỉ cho nghề giáo, nghề dạy học, có lẽ bởi mực lương thấp nghèo trong khi với cái nghề gõ đầu trẻ này thì các thầy cô giáo phải nói sang sảng suốt ngày, suốt quảng đời dạy học, để rồi khi tuổi đã xế chiều thì phần lớn bị suy nhược cơ thể trầm trọng mà phần đa các thầy cô giáo thường ra đi bằng bệnh lao phổi. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, hiện nay ở Thiên Đường XHCN Việt nam, để trở thành những người bán cháo phổi trong tương lai thì không ít những sinh viên học sinh đã phải bán chính những giọt máu của mình để trang trãi cho các khoản chi phí cho ăn ở, học hành và mọi sinh hoạt khác cho cuộc sống sinh viên, bởi trong thời buổi "củi quế gạo châu" này cha mẹ, anh em của họ ở quê nghèo cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, làm gì có thể chu cấp cho họ đủ đầy trong suốt những năm đèn sách trong thời đại @ này, khiến học sinh sinh viên Việt nam từ trong nam chí ngoài bắc đang cùng các giới nam phụ lão ấu hình thành đội ngũ những người bán máu, và tạo ra một nghề mới ở cái thiên đường XHCN mà bác và đảng đem lại cho muôn dân: Nghề bán máu!     

 

 Đàn ông bán máu  

  Trời chưa sáng hẳn, anh Hùng ở Phú Nhuận đã hối hả lọc cọc đạp chiếc xe đạp cà tàng hướng về Bệnh viện Truyền máu Huyết học ở Quận 1 Sài Gòn. Mấy năm nay anh giấu vợ dối con để đi bán máu. Dù chưa tới tuổi 50 nhưng trông anh chẳng khác nào một ông già 70, da dẻ nhăn nheo, xanh mét. “Gần 7 năm nay, bà ấy bệnh liệt giường, mọi việc trong gia đình đều đổ hết lên vai tôi. Nào tiền ăn cho cả nhà, tiền thuốc men của bà ấy, tiền học của 2 đứa con”, anh tâm sự. Theo quy định của y tế của nhà nước thì 2 tháng mới được hiến máu một lần nhưng tháng nào anh cũng tự nguyện ... bán. Để tránh sự nhận diện của bác sĩ, anh làm 2 thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở Quân y viện 175 ở Gò Vấp

“Chẳng qua túng quá nên mới làm liều thôi”, anh Nguyễn Văn Định ở Chợ Gạo, Tiền Giang cũng cùng một nỗi niềm. Anh cũng chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng có tới 9 năm hành nghề bán máu từ Tiền Giang lên tới Sài Gòn đến nhẵn mặt các bệnh viện. Có lúc không còn đường nào khác anh phải ra bến xe đò Miền Đông năn nỉ mấy bác tài cho quá giang ra Hà Nội để … bán máu.

Xếp hàng chờ bán máu tại Trung tâm Truyền máu Huyết học
Đàn bà bán máu

 Đàn ông bán máu, đàn bà cũng bán máu. Chị Hạnh ở Xã Xuân Thới Thượng Hốc Môn, tuổi đời chưa ngoài 50 mà đã có đến hơn 20 năm tuổi hành nghề bán máu. Chị bắt đầu đi bán máu từ năm 1989, lúc đó hoàn cảnh gia đình của chị vô cùng khó khăn, không nghề nghiệp lại một nách hai con nhỏ nên thường xuyên túng quẫn. Khi trong nhà không còn một hạt gạo, nhìn đứa lớn nhăn nhó vì đói và đứa nhỏ khóc đòi ăn, chị đành liều thân đi bán máu. Lúc đó 30 ngàn đồng một bịch máu đã nuôi sống gia đình chị hơn một tuần. Kể từ đó, chị dấn thân vào nghề bán máu.
Suốt 20 năm, chị không nhớ bao nhiêu lần mình rút máu ra bán và cũng không nhớ số máu bán ra là bao nhiêu. Hai đứa con đang tuổi còn đi học, không muốn chúng phải bỏ giữa chừng nên mỗi lần cần đóng tiền học hay mua sách vở cho con là chị phải đi bán máu. Quy định của nhà nước phụ nữ bốn tháng mới được lấy máu một lần nhưng vì túng quẫn quá nên có khi một năm chị bán sáu, bảy lần. Cũng như anh Hùng và anh Định, để qua mặt bác sĩ, chị phải làm hai thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở bệnh viện 175, sau này cả ở bịnh viện Chợ Rẫy nữa.
Hiện nay, chị sống bằng nghề bán rau ở chợ ở quận 4. Chị không còn thường xuyên đi nữa nhưng thỉnh thoảng cần tiền gấp chị vẫn đi bán. Trong suốt 20 năm qua, các con của chị những tưởng mình được nuôi lớn bằng sữa của mẹ mà không hề biết mình được nuôi lớn từ chính những giọt máu của mẹ. Chị bùi ngùi lo âu: “Lo nhất con cái phát hiện. Mình không làm gì xấu nhưng cái nghề này cũng chẳng hay ho gì. Biết rồi chắc chắn chúng sẽ đau lòng”.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở đường Hồ Thị Kỷ quận 10 Sài Gòn, đã gia nhập đội quân bán máu gần 16 năm nay kể từ ngày đứa con trai duy nhất của chị bị bệnh u não. Sau đó chị chuyển sang bán tiểu cầu để được nhiều tiền hơn. Chị bộc bạch: “Cứ đến ngày lấy thuốc cho con là vợ chồng tôi chạy vạy tứ tung, song lần nào cũng bí quá, đành phải bán máu, rồi bán tiểu cầu để lấy tiền. Có tháng túng bấn quá, tôi bán đến 2-3 lần và phải đi 2-3 chỗ, mới đủ tiền trang trải”.
Công nhân bán máu
Uyên, một công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình thổ lộ: “Mình ở tận Hải Dương vào đây lập nghiệp, nhưng lương công nhân thấp quá nên mỗi tháng muốn gửi ít tiền cho gia đình mình phải đi bán thêm tiểu cầu mới có thể xoay xở được”. Uyên tâm sự thêm “Công nhân bọn mình, có đứa sống chủ yếu bằng nghề này chứ không phải bằng lương đâu”. Trên gương mặt của cô, một người ốm yếu, là vẻ hao gầy nhợt nhạt của một người thường xuyên bán đi những giọt máu của chính mình, đổi lại là những bữa cơm công nhân đạm bạc và niềm an ủi của cha mẹ nơi quê nhà nghĩ đến sự thành công của đứa con tha phương lập nghiệp.
Học sinh, Sinh viên bán máu
Một bạn trẻ tên Tân, có 6 năm thâm niên hành nghề bán máu cho biết “Mình đi rút máu từ lúc còn học trung học phổ thông. Hồi đó chưa có chứng minh thư nên mượn tạm của ông anh rồi thay tấm ảnh của mình vào, phí cho dịch vụ này không tốn lắm! Còn các chi tiết lưu lại cho bệnh viện khi bán máu thực ra chỉ là thủ tục pháp lý chứ không ai kiểm tra mình bệnh gì trước đó hay sức khỏe như thế nào đâu”. Giọng Tân trùng xuống nói tiếp: “Làm cái nghề này sức khỏe cũng xuống rất nhanh. Có lần rút máu xong, vừa ra khỏi cửa là mình ngã gục xuống. Người nào hành nghề chuyên nghiệp thì sớm muộn cũng làm bạn với đau tim, còn đau đầu hay chóng mặt chỉ là chuyện lặt vặt”. Tân cho hay hiện có rất nhiều người chỉ sống bằng nghề bán máu, thậm chí họ còn chọn bệnh viện làm nơi cư ngụ thường xuyên để dễ dàng hành nghề.
Cả làng bán máu
Người người bán máu, nhà nhà bán máu, làng làng bán máu. Đó là làng nổi với hơn 30 gia đình sống dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam. Cả làng có chung một nghề: bán máu. Họ đến từ các miền khác nhau của đất nước như Sài Gòn, Quy Nhơn, Nam Định và Hải Phòng. Phủ Lý trở thành nơi an cư của họ bởi tiện bề đi lại để bán máu cho các bệnh viện ở Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nội. Sở dĩ họ phải làm nghề này vì chẳng còn con đường nào khác kiếm sống. Giá 250cc máu là 150,000 đồng, nhưng thực ra họ không được hưởng toàn bộ số tiền đó. Họ phải chi tiền cho nhân viên giám định để đổi lấy giấy chứng nhận sức khỏe. Ngoài ra, còn phải tiền tàu xe đi lại, nên cứ 250cc máu họ chỉ cầm được chừng 90,000 đồng là nhiều.
Tình hình bán máu
Ở các bệnh viện lấy máu ở Sài Gòn ngày nào cũng có người rồng rắn xếp hàng chờ bán máu. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu Huyết học có khoảng 100 người đến bán máu. Do nhu cầu bán máu nhiều, để có thể bán được máu, bắt buộc người bán phải đi thật sớm để xếp hàng. Tại Trung tâm Truyền máu Huyết học ở quận 5 mới 6 giờ sáng đã có cả trăm người đứng, ngồi kéo dài từ cửa trung tâm ra tận vỉa hè.

Những người chờ chực bán máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Mỗi lần bán 450ml máu chỉ được 250,000 đồng nhưng phải 2, 3 tháng mới bán được một lần. Còn mỗi lần bán tiểu cầu được 450,000 đồng, chỉ một tháng sau đã có thể bán tiếp. Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện đều rất cần nhưng nguồn cung cấp không đủ cho nhu cầu. Việc lấy tiểu cầu ở trong nước rộ lên chừng 3 năm nay. So với máu toàn phần, tiểu cầu (cách gọi dân dã là máu chọn) có giá cao gấp đôi nên nó có sức hấp dẫn lớn đối với những người bán máu.
Ngành y tế nhà nước quy định mỗi người 3 tháng mới được lấy máu một lần và người hiến máu phải cân nặng trên 45kg và trên 18 tuổi. Nói thì nói vậy nhưng rất nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, cần gấp một khoản tiền đã phớt lờ và qua mặt quy định.
Hiến máu hay bán máu?
Ngày 14 tháng 6 vừa qua là ngày thế giới hiến máu, World Blood Donor Day. Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization), Hiệp hội truyền máu thế giới (International Society of Blood Transfusion), Liên đoàn người hiến máu tình nguyện thế giới (International Federation of Blood Donor Organizations) và Hiệp hội Hồng Thập Tự - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies) đã lấy ngày 14 tháng 6 hàng năm làm World Blood Donor Day. Mục đích của ngày này không chỉ để lôi cuốn những người mới tham gia hiến máu mà chính là nhằm tôn vinh những người đã hiến máu thường xuyên 2, 3 lần hay nhiều hơn trong năm.

Ở các nước văn minh tiến bộ, hiến máu là một hành động nhân đạo, có tính nhân sinh cao và thể hiện sự tương thân tương ái. Ở Việt Nam hiện nay người hiến máu thì ít mà người bán máu thì càng ngày càng nhiều. Năm ngoái, năm 2009, tổng kết cả nước thâu được 632,902 đơn vị máu, trong đó người hiến máu tình nguyện chiếm 79,06%. Như vậy có nghĩa là có đến 1/5 số máu thâu được không do người dân tự nguyện hiến mà là đem thân đến bệnh viện nạp mạng để bán. Những trường hợp bán máu như đã nêu trên gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần của xã hội. Những mảnh đời đi bán máu ấy khiến ai nghe cũng phải xót xa! Những người này đi bán máu để có tiền duy trì sự sống rồi lại bán đi chính sự sống đó của mình. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn, chỉ những người thân khi biết chồng, vợ, mẹ, cha mình phải đi bán những giọt sự sống để duy trì cuộc sống của họ là thấy đắng lòng và xót xa cho cái thân phận nghèo.

Vừa qua ở trong nước, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6, nhà cầm quyền CSVN cũng cho tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để tôn vinh những người hiến máu với chủ đề “Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện Việt Nam”. Qua đó, Nhà nước tuyên dương 100 người hiến máu tiêu biểu, có số lần hiến máu cao nhất ở các tỉnh, các thành phố, và các bộ, các ngành. Những người tình nguyện này cao lắm thì cũng chỉ hiến máu đôi ba lần trong năm. Còn những người bán máu như đã nói ở trên thì sao? Nhà nước có quan tâm đến họ không? Có ai tôn vinh họ không? Họ bán hàng tháng và bán dai dẳng hàng chục năm, hàng hai chục năm. Không có tiền cho con đóng tiền học, thiếu tiền nhà, thất nghiệp, … họ đành phải chấp nhận đi bán máu. Nhiều người trở thành kẻ bán máu chuyên nghiệp, thậm chí có người thâm niên 20 năm trong nghề. Những đồng tiền bán máu ít ỏi nhưng là cứu cánh cho nhiều gia đình, giúp bao em nhỏ không phải bỏ học, giữ yên ấm cho biết bao mái nhà. Đó là một việc làm mà chúng ta không khỏi cảm thấy xót xa, ngậm ngùi!

Trớ trêu thay, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh đó, bên cạnh biết bao nhiêu người đang vật lộn với cuộc sống để sinh tồn, bán máu để mưu sinh là những cuộc liên hoan xa hoa tốn kém, những bữa chè chén bạc triệu ở các nhà hàng sang trọng khi các cán bộ tiếp khách. Những cuộc rượu chè xa xỉ đua nhau nốc bia rượu cho đến say xỉn không còn biết đường về. Tính ra một lít máu đỏ của người khốn cùng rút từ chính cơ thể của mình đem bán chỉ được vài ba chục đô la, chỉ đáng giá một chai rượu đỏ loại xoàng đủ cho một cấp lãnh đạo loại thường nhấp môi trong 1 buổi tiệc “chiêu đãi”. Máu người còn rẽ hơn rượu!

Dọc đường phố đông đúc của Hà Nội và Sài Gòn ngày nay có lắm người ăn bận quần áo đắt tiền, lái những chiếc xe hơi sang trọng nhất thế giới, và hàng ngày dùng những bữa tiệc no say tại những khách sạn huy hoàng tráng lệ. Việt Nam ngày nay có tầng lớp đại gia với khả năng tài chính vô hạn, có giới tư bản đỏ sống đời xa hoa tậu nhà hàng triệu triệu Mỹ kim ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có cấp lãnh đạo nhà nước với tài sản kết xù và có con cháu cán bộ cao cấp đua đòi với những chiếc xe hơi Rolls-Royce, Bentley loại hàng “độc” đắt nhất thế giới.

Chủ nghĩa Cộng Sản ngày trước phát triển mạnh nhờ chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến thế giới đại đồng, nhưng ngày nay thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại. Không những không “xóa” mà còn “thêm” để cho sự cách biệt giai cấp ngày càng tồi tệ hơn: giai cấp của tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp của nhân dân thì nghèo mạt rệp. Ở Việt Nam ngày nay người giàu không ít nhưng người nghèo thì quá nhiều và nghèo quá nghèo đến độ không thể nghèo thêm được nữa!. Người nghèo thì nghèo đến khốn cùng còn người giàu thì giàu không thể tưởng tượng nổi. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dễ dàng nhìn thấy ở mọi lúc, mọi nơi trên đất nước, ngày càng rõ rệt. Đó là “thiên đường xã hội chủ nghĩa”!

Trần Việt Trình & Buồn Thiên Thu

Dưới đây là một bài báo của VẸM tên Việt Nam Net về nghề " cao quý"  này ở Việt nam:

HÚT MÁU CỦA NGƯỜI BÁN MÁU

Hiện nay tình trạng cho vay lãi diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều hình thức và nhiều nhiều đối tượng vay cũng như cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay nặng lãi diễn ra ngay trong bệnh viện là điều hiếm thấy ở Việt Nam. Tại Bệnh viện nhi TW, hiện tượng cho vay lãi diễn ra khá công khai và tự do… Do nắm bắt được hoàn cảnh của những người đi bán máu, một số đối tượng cho vay ngay tại cửa phòng bán máu.


 
“Đã vào đây ai chẳng cần tiền, chẳng thiếu thốn”
  
Vào sáng  thứ 2, 4,6 hàng tuần, Bệnh viện Nhi TW tổ chức mua máu phục cho việc cứu chữa bệnh. Cứ vào khoảng 8h sáng các ngày trên, phòng lấy máu có khoảng trên dưới 20 người và đủ thành phần đến bán máu.

Và với nhu cầu máu của bệnh viện, có những người bán máu trở thành “nghề”. Chị M. (quê Đông Anh, Hà Nội) vui vẻ nói: “Chị đi bán thế này ngót ngét cũng được gần 20 năm rồi, bán rồi nó cũng quen đi, lắm lúc như nghiện”. 

'Hút máu' của người bán máu
 Những giây phút hiếm hoi chờ các con nợ vào bán máu

Có cả những khuôn mặt non bấng, tay cầm cuốn truyện tranh, đến ngồi đọc chờ bán máu. Em Minh là một học sinh đang ôn thi đại học, nói: "Em cũng bán được 4 lần rồi, vì muốn có chút phụ giúp bố mẹ thôi, bố mẹ em không ai biết đâu…”. 

Theo như chị M. tâm sự thì những người đi bán máu đa phần là những người lao động có thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi bán máu những mong kiếm thêm chút ít. 

Thấy chúng tôi nói chuyện bán máu rôm rả, chị Hà (nhà ở Định Công, quận Hoàng Mai) cũng hăng hái tiếp chuyện: “Có lần, chị thiếu tiền đóng học cho thằng lớn, chị liều đi bán máu lấy tiền cho đủ. Từ đó quen quen, chị thường xuyên bán máu. Quy định ở bệnh viện là một tháng mới được bán một lần, nhưng có tháng chị bán 4 lần ở những nơi khác nhau". 

Những câu chuyện của các chị, các cô đi bán máu khiến ai nghe cũng phải xót xa. Một chị cũng đi bán máu, tên T. bức xúc kể lại: “Đứa nhỏ nhà chị đi học, cô giáo biết mẹ nó đi bán máu nên đã có những lời nói khinh miệt, khiến cháu nó rất buồn…”.

Cả phòng chờ bán máu duờng như có quá nhiều tâm trạng. Những câu chuyện đời, chuyện gia đình, chuyện hoàn cảnh được họ chia sẻ với nhau như những người cùng "chiến tuyến". Tựu chung lại, họ là những người cần tiền, có hoàn cảnh khó khăn.

“Hút máu” kép

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nơi bán máu xuất hiện ít nhất hai nhân vật khiến cho những người lần đầu tiên đến đây thấy bất ngờ và bức xúc. Đó là những người lợi dụng không gian bệnh viện, hoàn cảnh cũng như tâm lý của người bán máu để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.

“Đồ nghề” của họ là vài cuốn sổ, chiếc bút bi và một ví tiền. Những người này xuất hiện khá sớm tại phòng chờ bán máu tại Bệnh viện Nhi TW. Những động tác của họ như thể khá thân quen ở đây, họ đi lại tự nhiên và thông thạo. 

'Hút máu' của người bán máu
Cuốn sổ dày đặc những tên của những con nợ.

Một thanh niên mặt bơ phờ tái nhợt (dáng vẻ như một tay cờ bạc thức đêm) có lời qua tiếng lại với  chủ nợ: ”Để lần sau em trả, có gì mà phải ầm lên…”. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra thì chị bên cạnh có vẻ bức xúc nói một cách đầy đề phòng: “Việc gì phải trả, ăn gì ăn lắm thế, mỗi lần đi bán 250ml được có 150 nghìn chứ có nhiều nhặn gì đâu…”. 

Sau một hồi ngập ngừng, tôi hỏi chị T. ngồi ghế bên cạnh: “Những người đó làm gì vậy chị?”. Chị T. tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế lần đầu đi bán hả em? Đó là mấy mụ cho vay lãi đấy…”.

Những chủ nợ vẫn ngồi bình thản, tay cầm cuốn sổ và ví tiền. Thỉnh thoảng lại có người tay kẹp miếng bông cồn qua lấy tiền. Số tiền mà mỗi lần lấy không khi nào lên đến tiền triệu, mà chỉ khoảng 1 đến 2 trăm nghìn. 

Theo những người ở đây kể lại, đó là những người đã quá quen với việc vay tiền và có “thâm tình” với các chủ nợ. Những người vay chủ yếu là những người cần tiền gấp, thường là những công nhân, xe ôm, lô đề…

Trong vai một cậu sinh viên cần tiền về quê đến bán máu lấy tiền, chỉ trong giây lát ngơ ngác, tôi đã được bà chủ nợ “chăm sóc” tận tình: “Cần tiền à cháu? Có mang chứng minh thư không? Không có cũng được, cô lo cho nhanh chóng mà lấy tiền về quê không có muộn”. 

Sau một hồi đon đả đưa đi làm thủ tục, bà "chủ nợ" gợi ý ngay: “Ở đây không lấy được tiền ngay đâu, phải xét nghiệm xong mới được, còn nếu muốn lấy ngay cô đưa tiền cho, rồi bồi dưỡng cho cô chút ít. Nếu cháu lấy 250ml được 150 nghìn thì cô đưa cho cháu 140 nghìn, còn bồi dưỡng cô 10 nghìn…”. Đây là những "chiêu bài" của "chủ nợ" đối với những người bán máu lần đầu tiên khi không có thẻ hiến máu cũng như "quan hệ".

'Hút máu' của người bán máu
Khung cảnh trước phòng bán máu

Thấy thế, chị M. nói: "Ở đây cho vay lãi rất nặng, có lần thiếu tiền đóng học cho con chị vay có 1 trăm nghìn đồng, sang tháng sau chị phải trả tới 130 nghìn đồng". Chị vừa kể vừa tỏ ra rất bức xúc: “Mấy mụ này trước đây toàn những người đã từng đi bán máu chuyên nghiệp, bây giờ già nên không bán mà làm cái trò này”.

Phòng chờ bán máu ngày một vắng tiếng người, những câu chuyên dần nhạt nhẽo. Để lại trơ trọi 2 nhân vật cho vay lãi lúi húi kiểm tra sổ sách, tiền bạc rồi cũng từ từ ra về. Họ đã hoàn thành công việc “hút máu” của người bán máu.

Bệnh viện thờ ơ hay bất lực?

Trao đổi với VietNamNet, TS Đỗ Thị Minh Cầm - Trưởng khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi TW) cho biết: “Vài năm gần đây cũng có xuất hiện những người như thế này, đã nhiều lần bệnh viện trực tiếp gặp nhưng họ trà trộn vào những người bán máu nên rất khó…”. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các chủ nợ cho vay lãi có những hành vi khá công khai, tự do và hơn nữa là ngày nào cũng xuất hiện tại đây. Việc giao tiếp, đi lại với các y tá là rất thân quen và gần gũi. Điều này có thể thấy không thể có chuyện "trà trộn" của các chủ nợ, việc các chủ nợ thực hiện hành vi cho vay là rõ như ban ngày mà ai cũng biết.

'Hút máu' của người bán máu
Chủ nợ tính toán lời lãi sau một ngày "làm việc"

Và sau đó, chính TS Đỗ Thị Minh Cầm cũng thừa nhận: “Đây là chuyện họ vay mượn với nhau, thỉnh thoảng họ có to tiếng nhưng chưa đến mức độ xảy ra xô xát. Chưa đến mức độ phải động đến chính quyền hay an ninh trật tự. Bệnh viện chỉ nhắc nhở…”. 

Việc xuất hiện những chủ nợ tại bệnh viện đã khiến không ít người cảm thấy bức xúc và phản cảm. Nhưng theo lãnh đạo của khoa truyền máu, thì việc cho vay lãi tại đây là "đời sống riêng tư của những người bán máu", nếu không vay mượn được thì họ sẽ rất khó khăn, họ không vay chỗ này thì vay chỗ khác…

TS Cầm cho biết, những người bán máu thuộc nhiều thành phần xã hội, họ có những cách “ứng xử” riêng của mình. Trước đây, có một bác sĩ (nay đã về hưu) làm việc khá nghiêm túc và không được lòng những người bán máu nên đã bị đánh, ném. Chính vì vậy mà không ai muốn "động chạm" vào.

Bất luận thế nào, bệnh viện cũng như khoa truyền máu phải có những biện pháp xử lý hành vi cho vay nặng lãi tại đây. Để môi trường bệnh viện luôn sạch và quan trong hơn là những người bán máu không bị “rút máu” sau khi đã bán máu.

  • Theo VNN

 

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article